Lịch sử Đại_Vận_Hà

Sơ kỳ

Khái niệm kênh đào đã có từ cuối thời kỳ Xuân Thu (722-481 TCN), khi Ngô vương Phù Sai, vị vua của nước Ngô (ngày nay nằm trong địa phận Tô Châu), đem quân đội tiến về phía bắc để xâm chiếm các vương quốc khác. Ông ra lệnh đào kênh để vận chuyển binh lính, kênh này được gọi là Hàn Câu.

Đoạn kênh đào đầu tiên nằm gần Dương Châu, Giang Tô để dẫn nước của sông Dương Tử (Trường Giang) về phía bắc nối vào sông Hoài. Theo một đoạn trong một cuốn sách của Khổng Tử, nó đã được xây dựng vào khoảng năm 486 TCN. Đây là đoạn cổ nhất của kênh đào này. Đoạn này đã được sửa chữa và mở rộng vào thế kỷ 3.

Thời nhà Tùy

Đại Vận Hà đã được kéo dài thêm vào thời kỳ nhà Tùy (581-618). Năm 604, Tùy Dạng đế của nhà Tùy đã rời bỏ Trường An (ngày nay là Tây An) để chuyển kinh đô tới Lạc Dương. Năm 605, vị hoàng đế này giao công việc mở rộng, kéo dài Đại Vận Hà cho Vũ Văn Khải, để nối liền Trác Quận (nay là Bắc Kinh) với Hàng Châu.

Công việc này kéo dài trong 6 năm để liên kết 5 hệ thống sông vào Đại Vận Hà. Khi hoàn thành, nó nối liền các sông Hải Hà, Hoàng Hà, sông Hoài, Tiền ĐườngTrường Giang. Phần phía nam, nằm giữa Dương Tử và Hàng Châu, được đặt tên là Giang Nam Hà (江南河). Phần trung tâm của Đại Vận Hà kéo dài từ Dương Châu tới Lạc Dương. Nó có thể được chia thành hai phần. Phần nằm giữa sông Dương Tử và sông Hoài được gọi là Sơn Dương Độc (山阳渎), phần lớn trong đó được xây dựng lại trên con kênh cũ. Phần thứ hai được gọi là Thông Tế Cừ (通济渠), nối liền Hoàng Hà với Hoài Hà. Phần phía bắc của Đại Vận Hà, được đặt tên là Vĩnh Tế Cừ (永济渠). Nó nối liền Bắc KinhLạc Dương, và đã từng được sử dụng để vận chuyển quân lương cho cuộc chiến tranh Tùy-Cao Câu Ly[1]. Tổng chiều dài của hệ thống kênh đào này vào thời kỳ đó là khoảng 2.500 km.

Các thời kỳ sau

Các công trình xây dựng ven bờ Đại Vận Hà

Sau loạn An Sử (755-763) trong thời kỳ nhà Đường (618-907), nền kinh tế của miền bắc Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng và không thể phục hồi lại do các cuộc chiến cũng như lũ lụt thường xuyên của sông Hoàng Hà. Đại Vận Hà là con đường chính để vận chuyển ngũ cốc từ khu vực đồng bằng châu thổ Trường Giang tới Hoa Bắc. Thành phố Khai Phong đã là trạm trung chuyển chính trên tuyến đường thủy này, và do đó nó đã lớn mạnh dần lên để sau đó trở thành kinh đô của nhà Tống (960-1279).

Trong thời kỳ nhà Nguyên (1271-1368), kinh đô của Trung Quốc chuyển về Đại Đô (Bắc Kinh) và do vậy nhu cầu cho Đại Vận Hà chảy về phía tây tới Khai Phong và Lạc Dương đã bị giảm mạnh. Kênh đào này sau đó đã được chuyển hướng theo đường tắt tại tỉnh Sơn Đông trong những năm từ 1280 tới 1283. Nó đã ngắn đi tới 700 km và tổng chiều dài khi đó còn khoảng 1.800 km. Kể từ đó thì lộ trình của Đại Vận Hà đã không thay đổi nhiều.

Toàn bộ kênh đào này đã được hoàng đế Minh Thành Tổ cho cải tạo, xây dựng lại vào khoảng những năm 1411 tới 1415 (niên hiệu Vĩnh Lạc). Trong vòng khoảng 400 năm kế tiếp, nó đã được duy trì khá tốt như là huyết mạch chính để vận chuyển lương thực từ lưu vực sông Dương Tử tới Bắc Kinh.

Năm 1855, sông Hoàng Hà lại gây ngập lụt và đổi dòng về phía Sơn Đông, và nó cắt đứt lộ trình của Đại Vận Hà. Do các khó khăn để vượt qua các nền đất bùn cát của sông Hoàng Hà, cùng sự phát triển của vận tải biển, cũng như sự đưa vào khai thác các tuyến đường sắt Thiên Tân-Phố KhẩuBắc Kinh-Hán Khẩu, nên các phần phía bắc và phía nam của kênh đào này đã không được nối liền với nhau nữa.

Điều này làm giảm mạnh vai trò của kênh đào. Nhiều đoạn của nó đã không được tu sửa nữa và một số đoạn bị tắc nghẽn do bùn lầy. Sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, trước nhu cầu phát triển kinh tế, chính quyền nước này đã cho tiến hành các công việc tái thiết Đại Vận Hà. Hiện tại, đoạn từ Tế Ninh tới Hàng Châu tàu bè có thể qua lại được.